Tìm Trầm hương, con đường đầy gian khổ và hiểm nguy

Trầm hoặc Kỳ Nam là ước mơ lớn nhất của những người đi “điệu” (đi tìm Trầm). Thông tin về nhóm này, nhóm kia ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… tìm được hàng chục kg báu vật, bán được cả chục tỉ đồng như những liều thuốc kích thích nhiều người đổ xô vào rừng với ước mơ đổi đời. Tuy nhiên, đi “điệu” không phải là một cuộc dạo chơi, tìm thấy Trầm cũng khó như mò kim đáy bể. Nhiều người đã phải bỏ mạng nơi thâm sơn cùng cốc vì nhiều lý do: lũ cuốn, rắn độc cắn, sốt rét, cây đè, lạc đường, chết đói… Chưa kể, những mâu thuẫn, xích mích xảy ra, dẫn đến thù oán vì ăn chia không đều khi tìm được Trầm.

   Trong giới phu Trầm thường truyền tai nhau câu cửa miệng “ngậm ngải tìm Trầm”, câu nói này xuất phát từ một truyền thuyết được lưu truyền từ thuở xa xưa của những người đi khai thác “giọt máu rừng”. Câu chuyện về “người hóa cọp” như một trong những minh chứng cho sự gian nan đời Trầm phu.

Dân đi “điệu” phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi ở trong rừng.Khởi đầu một chuyến đi “ điệu ”

   Một chuyến đi điệu thì thường là một nhóm từ 10 cho đến 15 người, với hành trang gồm rất nhiều lương thực, dụng cụ như: gạo, mì tôm, bột canh, mắm khô, mì chính, thịt hộp, chè, thuốc lào, vải che mưa, bật lửa, dao, rìu búa, khoan thăm dò lõi cây, thuốc cấp cứu. Trước khi đi theo tục lệ ở nhiều nơi thì thường kiêng kị rất nhiều thứ, chẳng hạn như nếu có người hỏi thăm thì không bao giờ nói là đi tìm Trầm. 3 ngày trước lúc lên đường, ai có vợ thì không được ngủ với vợ. Vào tới cửa rừng thì phải hương khói khấn bái. Đang đi mà thấy con kỳ đà thì quay về ngay vì “kỳ đà cản mũi”. Lỡ nấu cơm sống thì không được đổ bỏ mà phải ăn cho bằng hết chứ không nấu lại. Đồ nghề không thể thiếu của dân đi “điệu” là bộ “dũm” gồm 3 cái, kích thước lớn nhỏ khác nhau, hình dạng như chiếc máng xối mà người ta thường đặt dưới mái nhà để hứng nước mưa, một đầu bén ngót, dùng để móc đất, một cây rựa dài khoảng 1,2m cả cán để chặt cây, tầm cỡ đồ mang theo cũng phải lên tới 50kg cho đến cả tạ.

Xem thêm: Vì sao Trầm Hương có giá và quý hiếm ?

    Trong rừng rậm, cây dó Trầm chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít. Để xác định được đúng cây Trầm, thật sự là rất khó, ngoài những người có tay nghề là bậc thầy thì lại khác, chỉ dựa vào kinh nghiệm xem thân, cành, tán, lá, và dó thổi lật mặt dưới tán lá có màu sắc đặc trưng của dó Trầm, mà chẳng phải ngậm bùa ngải gì, họ có thể xác định đúng cây Trầm từ xa 3 – 4km ở thung lũng hoặc các sườn núi đối diện.

“Luật bất thành văn” của dân đi “điệu”.

   Đối với dân đi “điệu”, chuyện sống chết thường chỉ trong gang tấc, những hiểm nguy luôn rình rập, nên chỉ có một cách duy nhất để tồn tại được trong chốn rừng thiêng nước độc, đó chính là sự đoàn kết. Mỗi nhóm đều cử ra một Bầu trưởng để điều hành cả nhóm. Việc chọn Bầu trưởng cũng có những yêu cầu hết sức khắt khe về lễ nghi, kinh nghiệm, nhưng quan trọng nhất Bầu trưởng phải là người tạo nên sự thống nhất và lòng đoàn kết của các phu Trầm trong nhóm. Đoàn kết, như một luật tục bất thành văn đối với dân phu Trầm ở chốn đại ngàn. Trong một nhóm đi Trầm với nhau, thường thì các phu Trầm có quan hệ họ hàng hoặc cùng một địa phương với nhau nên dễ dàng chia sẻ và bảo vệ nhau trước những nguy hiểm trong cái nghề đi tìm “giọt máu rừng”. Do không thể một sớm một chiều có thể tìm thấy được Trầm nên việc phân công nhau đi tìm Trầm và lo việc ăn uống hết sức rạch ròi. Khi một người phu Trầm may mắn phát hiện được “hàng” thì phải ngây lập tức thông báo với Bầu trưởng, Bầu trưởng có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức và phân chia nhiệm vụ cho từng người để đảm bảo việc khai thác được tiến hành nhanh nhất.

Tìm Trầm để thực hiện ước mơ đổi đời của dân đi “điệu”

“Ngậm ngải tìm Trầm” theo truyền thuyết từ xưa và nay.

   Theo thời xưa “ngậm ngải tìm Trầm” là ngậm củ ngải để nhớ đường về vì có người mải mê tìm kiếm nên lạc lối. Lương thực hết, họ ăn rau hoang củ dại, nhai ốc, nuốt cá, riết rồi hóa thành… người rừng, lấy lá cây, vỏ cây che thân, quên cả tiếng nói. Nói nên sự khắc nghiệt trong việc đi tìm Trầm của dân đi “điệu” thậm chí có thể bỏ cả tính mạng của mình ở trong rừng sâu. Chuyện người đi điệu thấy xác trong rừng sâu, chỉ còn lại bộ xương khô, quần áo đã mủn hết và các dụng cụ của dân đi điệu còn sót lại.

“Ngậm ngải tìm Trầm” nỗi khổ cực, cay đắng của dân đi “điệu”

Còn theo thời nay câu chuyện “ ngậm ngải tìm Trầm” thực ra là câu nói lên nỗi khổ cực, cay đắng của nghề nghiệp, chẳng có gì là thần bí. Những phu Trầm trung bình một ngày có thể đi 20-30km đường rừng, phải đối mặt với biết bao nguy hiểm nên việc chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày rất cẩn thận cũng là chuyện bình thường.

Do sống trong rừng sâu, những phu Trầm thường truyền tai nhau những bài thuốc quý, thường gọi là “ngải”. Ví như những bài thuốc liên quan đến cây ngải cứu dùng để chữa bệnh đau khớp, bong gân. Dù thế nào đi nữa, thì “ngậm ngải tìm Trầm” là một câu cửa miệng dùng để chỉ những gian nan, vất vả của những phu Trầm, chứ không có chuyện bùa chú mê tín dị đoan như những người ngoài suy đoán.

Nguồn: moctram.com

Moctram.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng